Trong văn học nghệ thuật Lã Bố

Lã Bố "hí" Điêu Thuyền
Hình trên hành lang Di Hòa Viên

Nhân vật Lã Bố xuất hiện từ hồi 3 đến hồi 19 trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Nhân vật Lã Bố được mệnh danh là Chiến Thần, được xem là vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam quốc, hơn cả các nhân vật Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu. Hình ảnh Lã Bố có thể liên hệ tới vị anh hùng Hy Lạp Achilles về sức mạnh[cần dẫn nguồn]. Nhân vật Lã Bố đã từng một mình đánh với cả ba nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.

Trên chiến trường, nhân vật này chuyên sử dụng phương thiên họa kích và cưỡi Ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi.xuất hiện từ hồi 3 đến hồi 19. Lã Bố ra trận đầu búi tóc, đội kim quan, ngoài phủ giáp đường nghê, thắt bảo đới ti loan, mình mặc chiến bào đỏ thêu trăm hoa, ngoài khoác áo giáp thú diện liên hoàn, lưng đeo một bộ cung tên bạc, tay cầm phương thiên hoạ kích, cưỡi ngựa Xích Thố, dũng mãnh vô cùng. Ngoài một số tình tiết hư cấu, nhìn chung Lã Bố được La Quán Trung mô tả khá gần với hình ảnh trong sử sách: người dũng cảm khỏe mạnh, giỏi võ nghệ cung kiếm, nhưng chủ quan khinh suất, thiếu mưu lược và hay trở mặt.

Tình tiết hư cấu đáng kể nhất của La Quán Trung trở thành một điển tích trong văn học là trận "Tam anh chiến Lã Bố" ở cửa ải Hổ Lao trong hồi thứ 4. Ảnh hưởng từ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, nhiều vở Kinh kịch của Trung Quốc được xây dựng có nhân vật Lã Bố như Tam anh chiến Lã Bố, Liên hoàn kế, Viên môn xạ kích, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Đại náo Phụng Nghi Đình.[18]

Nhân vật Lã Bố trong tiểu thuyết có hai người vợ là Nghiêm phu nhân và Điêu Thuyền (đều nhân vật hư cấu). Nghiêm phu nhân là vợ cả của Lã Bố, mẹ của Lã Linh Khởi. Lã Bố và Nghiêm phu rất ân ái, hoạn nạn luôn có nhau. Nhưng sau khi gặp được Điêu Thuyền, Lã Bố đã nhất kiến chung tình, muốn cưới nàng làm vợ thì bị Đổng Trác hớt tay trên. Vì quá yêu Điêu Thuyền nên Lã Bố đã giết Đổng Trác để cướp lấy nàng. Tuy nhiên, ngày vui của hai người kéo dài không lâu. Sau đó, thiên hạ đã loạn lại càng loạn. Dư đảng của Đổng Trác đánh đuổi Lã Bố. Các lộ chư hầu cũng mang quân đánh Lã Bố nên cuộc sống Lã Bố ở trên lưng ngựa nhiều hơn trong màn gấm. Bản thân Điêu Thuyền cũng theo Lã Bố chạy loạn khắp nơi. Hai người chưa hề có phút giây nào uống rượu ngâm thơ, ngắm hoa thưởng nguyệt. Vì lý do đó, ở gần nhau rất lâu, rất được sủng ái mà Điêu Thuyền vẫn không có con. Số phận của Điêu Thuyền sau cái chết của Lã Bố không được nêu rõ.

Ngoài ra trong những bức ảnh xưa hay ở các tác phẩm liên quan đến nhân vật này, ông được miêu tả là rất tuấn tú.